Cơ hội và tiềm năng xuất khẩu thực phẩm chế biến vào thị trường Ấn Độ

Cơ hội và tiềm năng xuất khẩu thực phẩm chế biến vào thị trường Ấn Độ là chủ đề chính cho buổi hội thảo giữa IICCI Ấn Độ và Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, ông Atul Kumar Saxena, Chủ tịch IICCI đã giới thiệu tổng quan về nền kinh tế Ấn Độ với những nét đặc trưng riêng biệt. Nền kinh tế Ấn Độ có độ mở chưa cao khi kim ngạch xuất nhập khẩu của Ấn Độ mới chiếm 36% GDP và còn nhiều dư địa để mở rộng. Do đó nền kinh tế Ấn Độ ổn định, không bị tác động quá lớn vào thương mại quốc tế, đồng Rupee của Ấn Độ có tỷ giá ổn định. Trung Quốc và Mỹ là 2 đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Ấn Độ nhập khẩu từ Trung Quốc là chủ yếu, trong khi xuất khẩu sang Mỹ là chủ yếu. Ấn Độ xuất khẩu đứng thứ 8 thế giới và nhập khẩu đứng thứ 10 thế giới. Ấn Độ có kế hoạch nâng tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP lên 60% và đang nỗ lực mở cửa thị trường.

Ấn Độ là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Dân số Ấn Độ là khoảng 1,4 tỷ người với dung lượng thị trường lớn, tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp các nước, trong đó có Việt Nam. Giống như các nước khác, kinh tế Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19 nhưng kinh tế đã dần phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2021-2022.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động thương mại quốc tế, ông Atul Kumar Saxena đã đưa ra những ví dụ thành công của các doanh nghiệp Ấn Độ đang hợp tác kinh doanh tại Việt Nam, và những tiềm năng cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Đầu tiên là Tập đoàn Reliance, đây là một tập đoàn lớn tại Ấn Độ và các sản phẩm xuất khẩu sang Việt Nam bao gồm sản phẩm nhựa, dệt may. Hiện nay, Reliance cũng có nhiều triển vọng mở rộng hợp tác đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông.

Xem thêm  Ba phương thức truyền nhiệt chính trong chế biến thực phẩm

Thứ hai là Tập đoàn Tata Group. Tata đã hiện diện tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, xe ôtô, sắt thép.

Thứ ba, RK Marble, với các sản phẩm đá xẻ, đá ốp lát, hiện tại tập đoàn này đã có 1 mỏ đá ở Yên Bái, mở ra cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp Việt Nam. Công ty HCL hiện đã có văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Tập đoàn Agro World, là một trong những đơn vị nhập khẩu sản phẩm thanh long của Việt Nam. Ông nhấn mạnh, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu quả thanh long và nông sản nói chung tới khu vực phía nam Ấn Độ. Ngoài các mặt hàng trái cây chế biến, Việt Nam và Ấn Độ còn có tiềm năng mở rộng kinh doanh với mặt hàng gia vị như quế, hồi, tiêu, thảo quả,… khi các doanh nghiệp Ấn Độ đang muốn tìm kiếm các đối tác tại Việt Nam để sản xuất các mặt hàng này. Doanh nghiệp Ấn Độ muốn đầu tư vào sản xuất các sản phẩm nông sản mang giá trị gia tăng tại Việt Nam để xuất khẩu trở lại thị trường Ấn Độ.

Cơ hội và tiềm năng xuất khẩu thực phẩm chế biến vào thị trường Ấn Độ

Ngoài ra, Việt Nam và Ấn Độ còn có tiềm năng mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác như dược phẩm, dệt may, thực phẩm chế biến,… Trong lĩnh vực dược phẩm, hiện có khoảng 150 doanh nghiệp Ấn Độ hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên chưa có hợp tác liên doanh nào giữa doanh nghiệp hai nước. Nếu có thể phát triển hợp tác liên doanh sẽ giúp chuyển giao các công nghệ cao trong sản xuất dược phẩm, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu dược phẩm sang các quốc gia trong khu vực.

Xem thêm  Tham gia triển lãm ILDEX 2022 Vietnam

Đối với các sản phẩm dệt may, may mặc, cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào lĩnh vực xơ, sợi nhân tạo tại Việt Nam. Thực phẩm chế biến, nhu cầu tiêu dùng của Ấn Độ rất cao. Ví dụ đối với sản phẩm bánh quy, Ấn Độ nhập khẩu mặt hàng này từ các quốc gia như Indonesia, Malaysia. Việt Nam có những sản phẩm bánh kẹo tương tự, tuy nhiên chưa thấy xuất hiện trên thị trường Ấn Độ.

Tại hội thảo, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Ấn Độ ban hành chính sách ngoại thương 5 năm một lần. Chính sách ngoại thương hiện hành ban hành từ năm 2015, hết hiệu lực năm 2020 và được kéo dài đến tháng 3/2022. Điểm đáng chú ý của chính sách ngoại thương Ấn Độ là đưa ra các gói hỗ trợ xuất khẩu đối với các mặt hàng trọng điểm, chủ lực của Ấn Độ thông qua cấp tín dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu.

Đối với các hội chợ, hội thảo do Chính phủ Ấn Độ tổ chức, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được hỗ trợ chi phí đi lại, khách sạn, chi phí tham dự,… Thông qua các chương trình hội chợ, hội thảo này, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm được các đối tác Ấn Độ. Dự kiến chính sách ngoại thương mới của Ấn Độ sẽ được ban hành vào ngày 22/4/2022.

Xem thêm  Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản Top 10 thế giới

Trong 4 năm liên tiếp kể từ năm 2017-2018 đến năm 2020-2021, Việt Nam luôn đạt thặng dư trong thương mại đối với Ấn Độ. Tính trong khoảng thời gian 10 tháng trong năm tài chính hiện tại (từ tháng 4/2021 – 1/2022) Việt Nam đang đứng thứ 23 trong danh sách các thị trường đối tác của Ấn Độ với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 11,3 tỷ USD.

Kỳ vọng trong hết năm tài chính 2021-22, tổng kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt mức 13 tỷ USD, cán cân thương mại cơ bản cân bằng, và Việt Nam sẽ nằm trong Top 20 đối tác lớn nhất của Ấn Độ. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ Ấn Độ là sắt thép; bông; ngũ cốc; thịt; hải sản; nhôm; các sản phẩm điện tử. Trong khi các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Ấn Độ bao gồm điện tử, hóa chất vô cơ, nhựa, đồng.

(Theo:Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ)

 

Paul Nguyen

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *